'Nếu chi tiền tỷ mua điểm, chạy trường, cha mẹ đã làm hại đời con trẻ' - Luyện thi Pro

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

'Nếu chi tiền tỷ mua điểm, chạy trường, cha mẹ đã làm hại đời con trẻ'

03:04 - Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

Theo TS Lê Viết Khuyến, nếu thông tin phụ huynh ở Sơn La chi tiền tỷ mua điểm cho con là đúng, học sinh sẽ nhận thức lệch lạc rằng điều gì cũng có thể mua được bằng tiền.

Liên quan vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, VTV cho biết có bị can khai nhận chi phí nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là một tỷ đồng. Trả lời báo chí, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng thông tin trên mới chỉ là lời khai một phía của bị can, chưa đủ căn cứ để buộc tội, cần làm rõ thêm.
Dù vậy, nhiều người đặt giả định nếu đúng phụ huynh chi cả tiền tỷ để "chạy" trường cho con, họ có chắc mua được tương lai cho đám trẻ?

Công chức lấy đâu tiền tỷ nâng điểm cho con?

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - nhận định phụ huynh sẵn sàng chi số tiền lớn để nâng điểm thi cho thí sinh, có thể họ đã quen với việc chạy chọt. Điều đáng buồn là những tiêu cực này đang diễn ra ngày càng trắng trợn.
'Neu chi tien ty mua diem, chay truong, cha me da lam hai doi con tre' hinh anh 1
Cả 5 bị can liên quan gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 đều là cán bộ trong ngành giáo dục tỉnh Sơn La.
“Trong danh sách phụ huynh mua điểm cho con, phần lớn họ là công chức, lương không cao, vậy lấy đâu ra nhiều tiền? Từng nhận hối lộ rồi lại đi hối lộ phải chăng đã không còn là chuyện bất thường? Dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi rằng liệu những phụ huynh này có các khoản thu bất hợp pháp để mưu cầu lợi ích cho mình?”, TS Lê Viết Khuyến nói.
Ông Khuyến khẳng định cha mẹ dùng tiền "chạy" điểm, mua tương lai cho con là hại trẻ. Dùng đồng tiền làm những điều sai trái sẽ tác động đến nhận thức của học sinh, khiến giới trẻ suy nghĩ lệch lạc về cuộc sống, lười biếng vì cho rằng có tiền mua được tất cả.
Từ góc nhìn méo mó, học sinh có thể trở thành người tiêu cực. Trong công việc sau này, các em sẽ phải trả giá cho năng lực kém cỏi của mình bằng những việc làm có hại cho xã hội.
TS Lê Viết Khuyến đề nghị trong giai đoạn hai của cuộc điều tra, cần làm rõ những phụ huynh nào đưa hối lộ, từ đó xử lý theo pháp luật mới nghiêm minh.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội - nêu quan điểm thí sinh chấp nhận gian lận là không còn coi trọng những giá trị đạo đức. Khi đó, họ dễ "tặc lưỡi" làm những điều xấu với suy nghĩ: “Ai cũng như vậy, hoàn cảnh bắt buộc như vậy, chứ không phải mình muốn như vậy”.
Từ những phân tích trên của hai chuyên gia, dư luận đặt câu hỏi, tiền tỷ có thể giúp con cái trưởng thành và nên người?
Bạn Nguyễn Viết Ngân bình luận: “Với một tỷ đồng, cha mẹ có thể hỗ trợ con trong việc khởi nghiệp sau này. Một đứa trẻ không có khả năng được nâng điểm vào trường, sau đó mua điểm qua từng năm học, ra trường trở thành người có địa vị trong xã hội, sẽ gây thiệt hại cho đất nước”.
Bạn Bình Nguyên cho rằng trong cánh cửa bước vào đời, học sinh bắt đầu dối trá thì sẽ không có kết quả tốt đẹp cho bản thân và xã hội. Học sinh hãy bắt đầu bằng thi thật, điểm thật, chọn trường phù hợp khả năng để rèn luyện giá trị cho chính mình.
Theo bạn đọc này, cha mẹ xác định "chạy" cho con vào đại học sẽ tiếp tục phải "mở đường" khi cử nhân, kỹ sư ra trường, lo lót cho con trở thành người công danh, chức vụ. Tuy nhiên, họ không thể chạy theo con cả đời để bịt lỗ hổng về năng lực, kiến thức và cả tư duy dựa dẫm vào những đồng tiền của cha mẹ.

Nếu đưa hối lộ từ một tỷ, có thể bị phạt đến 20 năm tù

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, nếu cơ quan điều tra đã có tài liệu chứng minh các đối tượng thực hiện hành vi sửa điểm, nâng điểm nhận tiền từ phụ huynh hoặc người thân, người nhà của thí sinh mà không chủ động khai báo, thì sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nếu cơ quan chức năng kết luận số tiền từ một tỷ đồng trở lên, người đưa hối lộ sẽ phải đối mặt mức hình phạt cao nhất, có thể lên tới 20 năm tù, theo quy định tại khoản 4, điều 364, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư phân tích nhóm tội phạm về tham nhũng, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, có rất nhiều tội danh khác nhau, như: Không có yếu tố tư lợi, có yếu tố tư lợi, gây hậu quả lớn cho xã hội, gây hậu quả rất lớn, đặc biệt lớn cho xã hội... Bởi vậy, tùy tính chất, mức độ, mục đích của hành vi, tùy thuộc hậu quả, cơ quan tiến hành tố tụng phải lựa chọn áp dụng tội danh, điều luật cho đúng, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Dư luận đang rất mong chờ vào kết quả giải quyết triệt để, công bằng, thấu tình đạt lý của các cơ quan tiến hành tố tụng tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Nếu động cơ, mục đích của việc nâng điểm, sửa điểm là yếu tố vật chất, vì lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của cá nhân, cần phải xem xét các tội danh có yếu tố tư lợi, trục lợi (tội nhận hối lộ).
"Khi đã chứng minh được bản chất vụ việc là mua điểm, 'chạy' trường, đổi chác làm sai lệch công vụ, dư luận mong muốn phải xử lý hình sự cả người đưa và nhận tiền. Có như vậy, việc xử lý mới theo pháp luật, đủ sức răn đe, phòng ngừa cho xã hội và đảm bảo công bằng, bình đẳng trước pháp luật", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Cùng tham gia bình luận bài viết này nhé!